30 tháng 11, 2013

Quê hương tôi (Sưu tầm)

Tôi được sinh ra trên quê hương Quảng Trị, cha mẹ nuôi con từ hạt cơm trên ruộng đồng quê hương từ thời thơ ấu. Hôm nay, tôi khó cầm được nước mắt khi hồi tưởng về quê hương ruột thịt với bao kỷ niệm, ân nghĩa thân thương. Nói thương quê hương tức là nói thương mẹ, thương cha, thương kính tổ tiên ông bà và cả những người thân đã bao thời khó nhọc vun bồi tâm đức để con cháu lớn khôn trên xứ người. Dù ở đâu tôi không 



quên hình ảnh quê hương trong lòng, vì nơi đó qua bao thăng trầm binh biến tàn khốc, ông cha tôi đã đổ nhiều mồ hôi và nước mắt cho tôi cuộc sống an lành trong thời thơ ấu.
Có lúc trên đường vô tình nghe giọng nói thân quen, âm điệu Quảng Trị, tôi chợt nhớ quê hương nhiều lắm. Tôi cảm nhận sự ấm áp như âm vang tiếng ru quê mẹ, mảnh đất thiêng liêng tôi được sinh ra với bao nỗi khó nhọc của cha mẹ. Nơi đó có hàng tre xanh nghiêng mình che chở xóm làng, nơi đó có ruộng lúa và nương khoai rộn tiếng dế kêu sớm chiều. Quê hương đó, ai đi xa làm sao quên được ngọn gió Nam thổi mát rượi trưa hè. Quê hương đó, ai không xót khi gió mùa đông thổi đến lạnh buốt đôi vai những người thân tháng ngày lao nhọc trên đồng ruộng.
Quê hương tôi không giàu sang như xứ sở văn minh này nhưng thấm đượm tình người và ân nghĩa. Qua bao thăng trầm, tổ tiên ông bà vẫn nhẫn nại gìn giữ đạo lý nuôi dạy con cháu thành người. Khó khăn gian khổ rèn luyện lòng người gắn bó quê hương, gắn bó với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Con cháu hôm nay xa quê hương, làm sao quên được lời dạy ân cần của tổ tiên qua câu tục ngữ thấm nhuần đạo lý làm người: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Quê hương tôi thường gặp nhiều thiên tai lụt bão, ruộng vườn mùa màng năm được năm mất. Cơm có thể thiếu bữa, áo có thể thiếu mặc, nhưng con người rất giàu ý chí hướng thượng và tình thương.

Ai đi xa làm sao quên được câu ca, điệu hò ru con của các bà mẹ với giọng Quảng Trị chân tình: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.  Đạo lý ấy dạy rằng dù người có khác nhau về dòng tộc, khác nhau về quê quán, khác nhau về hoàn cảnh nhưng luôn thương yêu nhau, che chở cho nhau, vì chung một tình quê, tình người và tình đồng loại. Tiếng ru ấy là thông điệp nhắc nhở tôi sống ân nghĩa với cuộc đời này. Khi đi xa rồi mà âm vang tiếng ru của mẹ vẫn tưới mát trong lòng tôi.
Trên xứ người, dù cuộc sống đầy đủ tiện nghi nhưng không thắm thiết ân tình như thuở sống bên mẹ cha. Vì bơ sữa xứ người thơm ngon nhưng không thơm ngon bằng tình mẹ cha với giọt mồ hôi vun trồng củ sắn, củ khoai nấu cho tôi ăn từ thuở ấu thơ. Chiếc xe hơi tôi đi mỗi ngày vô cùng tiện lợi nhưng không dịu êm bằng bàn tay mẹ dắt tôi đến trường trên con đường làng trơn trợt mỗi khi đường ngập mưa. Hôm nay sống trong nhà cao cửa rộng nhưng tôi vẫn thấy thiếu đi sự êm ấm của tình mẹ san sẻ cho tôi tấm chăn thô khi gió đông về, thiếu đi bàn tay mát mẻ của cha cầm chiếc mo cau ngồi quạt cho tôi đi vào giấc ngủ ngon lúc trời nóng bức.
Trong mỗi người chúng ta, tấm thân này là sản phẩm kỳ diệu lưu dấu hình ảnh quê hương, cha mẹ và dòng tộc tại quê nhà. Khi nghĩ rằng, quê hương, tổ tiên thân tộc và tôi là một thì lòng tôi bớt lẻ loi và trống vắng. Trong cuộc sống với bao khó khăn chướng ngại, tôi nghĩ về quê hương với đức nhẫn nại của cha mẹ và tổ tiên, lòng tôi có thêm nghị lực sống an lạc. Tôi tin tưởng rằng, oai linh và tâm nguyện tổ tiên luôn mong ước những người con xa quê hằng sống ân nghĩa và giữ gìn đạo lý tốt đẹp của tổ tiên đã dạy trong mọi hoàn cảnh cuộc đời.

Thích Đức Trí

1 nhận xét :

Unknown nói...

Bài này của thầy T thích quá đi mất . Các bạn ở làng mềng ít ai viết bài đăng hè !!!!!