Bài đăng của bạn Bom Béo Bở
MỘT THỜI ĐỂ NHỚ !
Tôi làm việc ở thành phố nhưng không phải công dân của thành phố. Sáng tôi đi, tối quay trở về nhà. Ba mươi hai cây số cho cả lượt đi và về tuyến Cam Lộ - Đông Hà. Xa đấy, nhưng phải về thôi. Ba mươi bốn tuổi chứ có năm tư tuổi thì cũng gắng mà về. Mồ mả ông cha ở đó, bà con thân thuộc phần lớn ở đó, mạ cũng ở đó. Đồng đất và cả tuổi thơ cũng gắn liền với mảnh đất Cam Lộ này. Mỗi chiều, khi chạy xe về, tôi nghe gió mát, nghe hơi thở trong veo và thấy trời xanh, thấy mặt trời lấp ló sau đỉnh đồi Phu Lơ – nơi đó cũng gắn liền với tuổi thơ tôi trong những mùa đưa trâu vào gửi cho rừng.
Từ năm học THCS cho đến mãi những năm học cấp 3 rồi vào đại học, tôi có những ngày đông gắn bó với đỉnh đồi này. Mùa đông ở đây thường đến sớm hơn những vùng khác trên quê hương Cam Lộ. Gió thường rất buốt. Và sương mờ giăng giăng, mưa lất phất bay còn vắt rừng thì nhiều vô kể. Hồi đó, tôi thường nói đùa với một người bạn mục đồng của mình (tên Mầm) là vắt ở đây hút máu giặc Mỹ nên mới to tướng thế. Nghe xong chuyện vắt Mỹ nó cười không nói gì. Người bạn thời chăn trâu này của tôi thường hay cười và ít nói.
Bây giờ gã đã trở thành giáo viên dạy môn toán ở một ngôi trường THPT và mọi người gọi gã thầy Toàn, thầy Hoàng Ngọc Toàn. Cái tên Mầm không nghe ai kêu nữa. Gã cũng không còn muốn người ta gọi mình cái tên đó. Có lần gã bày tỏ điều đó khi mạ tôi chộp cái tên Mầm của gã mà gọi. Gã lớn rồi! Mà lớn là thành Cây chứ không còn là Mầm nữa. Gã cũng không còn nhắc những kỷ niệm về tôi và gã, những chuyến lạc giữa rừng trong đêm đói đến kiệt sức mà vắt hút máu hai chân bầm tím, máu chảy cứ nghĩ là nước mưa.
Tôi muốn kể thêm một chút về lần lạc đường này. Đó là mùa đông, tôi và Mầm cất công đi từ sáng sớm đến đồi Phu Lơ thì cũng chừng 9 giờ sáng. Đó là đoán chừng thế thôi chứ thời buổi mặc quần rách te tua, dây kéo bị hỏng lấy kim băng bằng sắt ghim lại làm gì có đồng hồ để xem giờ. Tôi và Mầm đi thăm đàn trâu, lúc đó đàn trâu nhà gã ba con còn đàn trâu nhà tôi có hai con. Rừng mùa đông mưa ít nhưng hơi đá nhiều. Trên đỉnh Phu Lơ sương giăng mây phủ. Chúng tôi đi tìm mãi bầy trâu cho đến khi màn đêm ụp xuống mới lần tìm đường về nhà. Nhưng chúng tôi đã không xác định được hướng.
Đến khoảng 7 giờ tối thì Mầm bắt đầu hoảng. Hồi đó tôi lỳ và bây giờ cũng thế. Chẳng là đến cùng thì đợi ngày mai sáng, bị đói qua một đêm chẳng thể làm chết người. Lúc đó rừng chẳng còn thú dữ nữa. Người ta bắn hết hổ của rừng này, bắn luôn cả con voi đeo lục lạc vàng mỗi năm về đây một lần mà người ta đồn thổi đó là voi của vua Hàm Nghi. Rắn rết cũng tóm gần sạch. Nói chung động vật dữ dằn đến cỡ nào thấy con người cũng phải lánh xa, kể cả những đứa nhỏ như chúng tôi nên cứ yên tâm mà ngồi ở đây đợi buổi sớm lên rồi tìm đường về nhà. Nhưng gió bắt đầu thổi như tiếng ma gọi nhau trong cõi lạc loài, mưa phùn bắt đầu tạt ngang người lạnh giá. Tiếng con gì đó kêu lên giữa màn đêm hoang sơ. Gã víu lấy tôi sợ hãi. Còn tôi thì cười.
Những đứa trẻ mục đồng như tôi và gã thường có nhiều kỷ niệm. Đôi lúc nhớ không hết nên tôi nghĩ câu chuyện lạc đường của tôi và gã đi vào cái chẹt quên. Ở quê tôi, xã Cam Tuyền nằm vắt bên cái eo thon của dòng sông Hiếu đến sang mùa tháng sáu âm lịch là mùa của chúng tôi. Nghĩa là lúc đó đậu lạc, bắp, khoai, sắn… đã ngót nghét vô bồ nên cánh đồng chỉ còn lại cỏ và những bụi cây cỏ sữa. Từ vùng Bắc Bình cho đến Đâu Bình 1, Đâu Bình 2 rồi đến Tân Quang, Bản Chùa, ở đâu cũng có một cánh đồng hoang để chúng tôi mặc sức thả trâu bò chơi trò con nít. Thường chúng tôi chơi trốn tìm, chơi bịt mắt bắt dê, chơi ô ăn quan, kéo co, chơi căng, chơi keo, chơi đánh thẻ, chơi nhảy dây, chơi rồng rắn lên mây, chơi xiết đá... vui nhất là chơi ù. Trò này gái trai đều có thể tham gia. Cả một cánh đồng rộng, chúng tôi tụm nhau lại không dưới mười đứa chia thành hai phe rồi húm miệng lại “ù” đi cướp quân đối thủ. Có khi được quân, có khi mất quân và mình bị bắt làm tù binh vì hơi bị tắt không còn phát tiếng.
Thấm thoắt mà đã mấy chục năm. Hơn hai mươi năm có lẻ. Những cánh đồng mùa thả trâu khiến tôi nhớ đến quặn lòng. Có những đêm, trong mơ tôi vẫn nghe tiếng mõ trâu lắc xa giữa cánh đồng xanh mướt cỏ vào mùa tháng 8. Có lúc tôi mơ mình bị lạc vào những ngày xưa ở trên đỉnh đồi Phu Lơ mù mịt. Kể tiếp chuyện hôm đó, tôi và Mầm đã thoát ra được cánh rừng trên đỉnh đồi đó và quay trở về nhà. Chúng tôi tìm được lối về nhờ một cây củi mục. Buổi sáng hôm trước chúng tôi đã lật nó sang một bên đường để tiện đi khỏi vấp. Không ngờ nó phát huy được tác dụng khi chúng tôi thấy dấu vết.
Trên khắp quê tôi ở đâu cũng có trẻ mục đồng. Nước ta là một nước nông nghiệp, quê hương tôi lại là miền quê thuần nông. Từ Cam An, Cam Thanh, Cam Hiếu, Cam Thủy, Cam Tuyền, Cam Thành rồi đến Cam Chính, Cam Nghĩa... ở đâu cũng nghe tiếng mõ trâu bò, ở đâu cũng nghe tiếng trẻ mục đồng gọi bạn khi những con nắng thu dịu vợi và bầu trời xanh trong.
Ở Cam Hiếu có cả một cánh đồng giữa thôn Bích Giang và Thạch Đâu, Vĩnh An, Vĩnh Đại; Cam Thành có một bãi đất trống thênh thang vào những ngày tháng 6 giữa thôn Quật Xá và Tân Mỹ. Đó là thiên đường của những đứa trẻ mục đồng, là tuổi thơ với bầu trời xanh lồng lộng, là con sông mát rượi để mỗi trưa chúng tôi trèo lên cây đa thả mình xuống nước đánh ùm. Bọn trẻ chúng tôi đứa nào cũng biết bơi, đứa nào cũng xem dòng sông là tuổi thơ đẹp nhất của mình.
Trên con sông Hiếu, tôi và Mầm cũng hay đi bắt đam (cua đồng) về chiên giòn chấm muối, thả lưới bắt cá về nấu canh chua hay đơm cò, bẫy vạc. Chúng tôi làm việc cùng nhau, tắm cùng bầy trâu, đi về cùng nhau trên một con đường, đặt bẫy cùng nhau bắt chim. Bây giờ tôi và gã đều là người phục vụ cho nhà nước. Gã cao cả hơn như người đời từng ca tụng, nghề giáo. Tôi vẫn đi về hướng mà thời làm đứa trẻ mục đồng từng ao ước. Lớn lên tôi sẽ làm cán bộ tốt của dân. Mầm học giỏi, tài cao muốn làm chiến sĩ phục vụ lâu dài trong quân đội nhưng vì nhiều lý do nên rẽ sang làm nghề thầy giáo của một ngôi trường khá có tiếng.
Chúng tôi cùng đi về một hướng nhưng ở trên đường mỗi ngày tôi và gã lại ít gặp nhau. Lần gặp gần đây nhất là đám cưới. Gã gặp tôi cười mời chung rượu. Đó là những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8. Hôm đó thực lòng tôi nhớ gã của ngày xưa. Muốn hỏi cho ra ngày xưa có bị chẹt đâu đó trong trí nhớ thì gã quay sang mời rượu bàn bên cạnh rồi. Đêm đó gã say còn tôi tý nữa thì hóa thành kẻ hâm. Không ai ngồi giữa một đám cưới bề thế để hỏi chuyện của ngày xưa mũi chảy thè lè lấy tay quẹt ngang.
Trở lại với những cánh đồng mùa tháng 6, tháng 7 và tháng 8. Bây giờ không còn bắt gặp những đứa trẻ mục đồng. Đồng ruộng thênh thang và cỏ mọc xanh rì, những đám cây cỏ sữa rám vàng chiều nhạt nắng. Tôi vẫn đi về nơi làng quê mỗi ngày. Tôi tìm bóng dáng tôi thấp thoáng đâu đó trên cánh đồng của quê hương Cam Lộ. Qua rồi những mùa lúa vại, qua rồi cái ngày người dân quê tôi bắt ốc nấu canh chuối lùn. Trâu bò giờ đây người dân nuôi rất ít vì rừng hẹp lại. Người nuôi trâu bò bằng hình thức nuôi nhốt giống bò lai Sind bằng cỏ trồng và bột tăng trọng. Những đứa trẻ mục đồng dần dần biến mất khỏi cánh đồng hoang, những trò chơi dân gian ngày xưa chỉ còn trong sách vở. Những đứa trẻ bằng tuổi tôi và Mầm ngày ấy chen chân vào tiệm net với những trò chơi online.
Cũng nhắc lại câu con người phải biết thời mà sống. Không lẽ bây giờ bắt con trẻ ra giữa cánh đồng hoang chơi ù, bắt chúng ngồi dưới gốc đa để chơi trò ô ăn quan hay bảo chúng trèo lên nhánh đa nhảy xuống sông cái tõm. Sông đã cạn lắm rồi và cây đa của làng đã bán từ dạo ấy".
p/s: Đọc và thấy nhớ tuổi thơ rơm rạ
1 nhận xét :
Bài này Bom Béo Bở chia sẽ trên FA làng Bích Giang ! Cần những bìa viết thế này ! Đầy tính cảm xúc ......
Đăng nhận xét