Huyện Cam Lộ nằm giữa lòng Quảng Trị thân thương, là địa bàn có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua: Quốc lộ 1A; đường Hồ Chí Minh; Quốc lộ 9, tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, con đường Xuyên Á từ nước bạn Lào về Cửa Việt.
Huyện Cam Lộ nằm giữa lòng Quảng Trị thân thương, là địa bàn có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua: Quốc lộ 1A; đường Hồ Chí Minh; Quốc lộ 9, tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, con đường Xuyên Á từ nước bạn Lào về Cửa Việt. Ở vị trí nói trên, Cam Lộ có điều kiện thuận lợi
trong việc giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội với các địa bàn trong và ngoài tỉnh, đồng thời có thể tham gia các luồng thương mại quốc gia, quốc tế. Trải qua hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc, nơi mảnh đất này đầy ắp biết bao sự kiện, bao số phận của con người, nơi hội tụ nổi nhớ niềm thương và máu xương cả nước. Cam Lộ là vùng bán sơn địa, với vị thế núi non, sông suối và tấm lòng son của đồng chí, đồng bào mà đã trở thành phên dậu của nhiều đời biến động giang sơn. Hai lần từng là thủ phủ quốc gia đó là sơn phòng Tân Sở - nơi vua Hàm Nghi dựng cờ, ban Chiếu Cần Vương chống Pháp; thành huyện Cam Lộ - nơi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đặt trụ sở làm việc và đón tiếp các nguyên thủ quốc gia trên thế giới thời chống Mỹ. Mảnh đất Cam Lộ thân yêu đã để lại biết bao kỳ tích về những tên đất, tên làng trong những năm tháng chiến tranh và trong hoà bình xây dựng. Ai có dịp làm một cuộc bộ hành lên đỉnh cao 544 (Fuler) để nhìn ngắm quê hương Cam Lộ sau chiến tranh, dọc dài theo hai bên đường 9 là cả một bài ca về sự hồi sinh, đắp đầy mơ ước của những con người vừa thoát ra khỏi đạn bom, trận mạc; từ trên đó, hình dung loạt cứ điểm được xem là “Con mắt thần” của hàng rào điện tử Macnamara. Đồi 241 (Carol), nơi cả trung đoàn bộ binh nguỵ cúi đầu xin hàng quân giải phóng (1972). Hồ Khế, Động Toàn, Đồi Không Tên, Tân Kim, Đá Mài …những địa danh ghi dấu bao chiến tích thể hiện quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược của chiến sĩ và nhân dân Cam Lộ. Những địa danh ấy mãi khắc sâu trong lòng đồng chí, đồng bào cả nước, là nơi luôn lay động tâm hồn của các cựu chiến binh (cả hai phía) hoài niệm về chiến trường xưa, nao nức có được những lần về thăm lại !. Ngày 11/3/1977, Cam Lộ cùng với Gio Linh, Vĩnh Linh mang tên chung huyện Bến Hải (tỉnh Bình Trị Thiên). Đến ngày 11/9/1981, các xã của huyện Cam Lộ sáp nhập với thị xã Đông Hà. Ngày 19/10/1991, huyện Cam Lộ được lập lại, trở lại tên gọi chính mình. Hơn mười bảy năm sau ngày được tái lập, với chí khí quật cường của cha anh truyền lại, với tinh thần vượt khó vươn lên, Đảng bộ và nhân dân Cam Lộ đã sát cánh bên nhau lao động cần cù, đầu tư công sức, tập trung trí lực để khai thác tiềm năng thế mạnh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững quốc phòng – an ninh, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Cam Lộ là sương ngọt ! Như những giọt sương chắt lọc giữa đất trời, như những mạch ngầm lặng lẽ, cứ thấm mãi, thấm mãi từ nơi đầu núi, đất đai, đồng bãi rồi ra một sông Hiếu xanh trong, ngọt mát, sâu nặng ân tình, đôi bờ lạc ngô xanh thắm, đầu nguồn có con cá bống, cá trơn kho ngon đáo để cho mỗi buổi cơm quê. Đồng đất An – Thanh - Hiếu - Thuỷ với những mùa vàng, những hạt gạo trắng trong nuôi đời khôn lớn. Ngược lên miền đất đỏ Bazan, những cánh rừng cao su xanh ngát, hạt tiêu Cùa nồng ấm, thơm thảo tình đất, tình người. Quê hương Cam Lộ tuy còn nghèo nhưng đã chứa đựng những nhân tố, những dáng vẻ, những hương vị riêng đậm nét khiến kẻ xa quê không thể quên và người ở lại quê cũng không thôi niềm khát khao tìm biết. Nhu cầu ấy đã phần nào được đáp ứng qua nhiều sách báo, nhiều công trình nghiên cứu cả trong chiến tranh lẫn hoà bình, song cũng không đáp ứng được hết. Qua trang thông tin điện tử này, chúng tôi muốn giới thiệu một vài nét về mảnh đất và con người Cam Lộ với đồng chí, đồng bào và bầu bạn gần xa được biết thêm, tiếp tục cổ vũ, động viên, quan tâm, hỗ trợ để Cam Lộ đạt được nhiều kết quả trong những năm tới. Xin chân thành cảm ơn !.
(Nguồn: PGD -Cam lộ)
2 nhận xét :
Anh sưu tầm Lịch sử làng Bích giang mà đăng lên đây đi .....
Cảm ơn bạ đã quan tâm theo dõi và nhận xét!! Thân .
Đăng nhận xét