21 tháng 10, 2013

Lich sử Huyện Cam lộ

Nhiều nơi tại Cam Lộ, các nhà khảo cổ tìm thấy dấu vết của cư dân người tiền sử sinh sống từ 1,5 vạn đến 3 vạn năm về trước.(Nguồn PGD CAM LỘ)Dấu tích cư trú của người nguyên thủy thời hậu kỳ đồ đá cũ được tìm thấy chủ yếu ở khu vực Tân Sở - vùng Cùa, gồm nhiều công cụ làm bằng đá quacdit có hình thù đặc trưng cho thời kỳ văn hoá Sơn Vi (niên đại từ 2 đến 3 vạn năm về trước); tại các hang Dơi (Tân Lâm - xã Cam Thành) tìm thấy một số công cụ chặt, chày nghiền...làm bằng đá và một số dụng cụ làm bằng xương, đồ gốm đặc trưng văn hoá Hoà Bình (niên đại từ 1,5 đến 2 vạn năm về trước); ở "Đồi không tên" (Tân Lâm) phát hiện dấu tích của một 


công xưởng chế tác công cụ đá lửa (Silic) của người nguyên thuỷ thuộc hậu kỳ đá mới, cách ngày nay chừng 5.000 năm. Đến thời Trần - Lê ( thế kỷ XIV - XVI) đã có người Việt vào cư trú ở Cam Lộ dọc theo bờ sông Hiếu và tên Cam Lộ cũng xuất hiện từ đó, được gọi là nguồn Cam Lộ. Nguồn Cam Lộ có 2 châu Sa Bôi và Thuận Bình. Đến thời các Chúa Nguyễn, chính sách khẩn hoang lập làng được đẩy mạnh hơn đã phát triển khu cư trú về phía Nam sông Hiếu đến vùng gò đồi và một số làng được thành lập ở Cùa đầu thế kỷ XVII. Năm 1803, sau khi đánh bại Tây Sơn lên ngôi hoàng đế, Gia Long lấy các huyện: Hải Lăng, Đăng Xương, Minh Linh để lập ra doanh Quảng Trị và phía Tây đặt đạo Cam Lộ, lỵ sở đóng tại làng Nghĩa An, tổng An Lạc (Thuộc vùng đất xã Cam An ngày nay). Năm 1831 ( Minh Mạng thứ 12) đổi đạo Cam Lộ thành phủ Cam Lộ. Trong triều đại này, năm 1829 ( Minh Mạng thứ 10) thành Vĩnh Ninh cũng được xây dựng tại làng Cam Lộ ( Nay là di tích Khu Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền nam Việt Nam) Năm 1851 (Tự Đức) đổi đạo Cam Lộ thành bảo Cam Lộ. Cũng thời kỳ này (1883 -1885) Sơn phòng Tân Sở được xây dựng tại Cùa. Vào niên hiệu Đồng Khánh (1886-1888) huyện Cam Lộ có 3 tổng: Tổng An Lạc gồm các xã Cam An, Cam Thanh và Thị xã Đông Hà ngày nay; tổng Cam Đường (đến trước cách mạng tháng Tám năm 1945 đổi tên thành tổng Cam Vũ) gồm các xã Cam Hiếu, Cam Thủy, Cam Thành, Cam Tuyền và thị trấn Cam Lộ; tổng Mai Lộc bao gồm các xã Cam Chính, Cam Nghĩa. Trong thời kỳ chế độ miền Nam Việt Nam,, ngày 17/5/1958 chính quyền Miền nam cho lập quận Cam Lộ. Trong kháng chiến chống Mỹ, huyện Cam Lộ là một đơn vị hành chính có tổ chức Đảng, các đoàn thể và chính quyền Cách mạng. Ngày 11/3/1977 huyện Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh sáp nhập lại thành huyện Bến Hải, trực thuộc tỉnh Bình Trị Thiên. Ngày 19/10/1991 huyện Cam Lộ được lập lại trên cơ sở tách 8 xã nguyên thuộc huyện Cam Lộ được sát nhập vào thị xã Đông Hà năm 1981, với dân số 44.232 người và diện tích 346/9Km2. Ngày nay huyện Cam Lộ gồm 8 xã và 01 thị trấn: xã Cam chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Tuyền, Cam Hiếu, Cam Thuỷ, Cam Thanh, Cam An và thị trấn Cam Lộ. Mảnh đất và con người Cam Lộ đã cùng cả dân tộc đi suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, trải qua quá trình đấu tranh để tồn tại và phát triển, nơi đây đã để lại những dấu ấn lịch sử thật đậm nét. Những tên đất, tên người gắn liền với những sự kiện lịch sử đã bồi đắp cho Cam Lộ một bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng thật đáng tự hào. Truyền thống tốt đẹp ấy được biết bao thế hệ người Cam Lộ không ngừng kế tục và phát huy. 

2 nhận xét :

Unknown nói...

Kiến thức lịch sử về quê hương thật bổ ích! Cảm ơn chú rất nhiều!

Unknown nói...

Cảm ơn cháu đã vào xem và góp ý https://www.blogger.com/profile/06225551228738429024