Sáng ra, vừa mở cửa
đón chút nắng sớm tròn trĩnh đã cảm
giác đâu đây cái nóng hầm hập, hanh rát phả vào mặt.
Nghe mạ tặc lưỡi thở
dài: “Tới mùa gió Nam (Gió Lào) rồi chớ chi nữa!”.
Hồi còn đi học cấp 2 ở
trường xã (nay là trường Nguyễn Viết Xuân), nhớ giờ địa lý hôm ấy, Thầy T. giải
thích hiện tượng gió Lào. Thầy vẽ sơ đồ, mô hình, nào là dãy Trường Sơn, nào là
bản đồ ranh giới tỉnh mình với nước ban Lào, gió Tây Nam từ Vịnh Thái lan thởi
từ bên kia thổi về bị chắn bởi dãy Trường Sơn ra sao, bao nhiêu hơi nước đều bị chặn lại gây
ra bên kia nước Lào thì mùa mưa còn bên
mình thì mùa khô nóng thế nào.Thế nên mới có câu : Trường Sơn Đông nắng Tây mưa
.
Thầy nói quê mình có thứ này là “đặc sản” đấy, ráng
mà nhớ sau này đi đâu người ta hỏi còn biết mà trả lời. Cả lớp nghe thế, ngồi
im nuốt từng chữ một, học thuộc làu làu nên bài kiểm tra đó đứa nào cũng điểm
cao. Tôi sinh ra trong mùa gió Lào, lớn lên trong các mùa gió Lào ở quê hương mà làm sao không nhớ được……..
Lên cấp ba, đi học về
tận thị xã Đông Hà xa nhà, tầm trưa đạp xe lên dọc đường 9 lại cảm giác như
đang gồng mình thi gan với gió. Chiếc xe nghiêng nghiêng tưởng như sơ ý chút
thôi là bị hất tung xuống vệ đường ngay. Gió khô khan, gió nóng rát, gió miệt
mài thổi suốt ngày suốt đêm….
Khổ nhất là đến giờ mạ nấu cơm, hì hụi nhen cái bếp lửa gần ba mươi phút, nồi cơm cũng lúc sống, lúc
khê vì gió cứ nghịch ngọn lửa đổ qua đổ về. Mái bếp xiêu vẹo, cửa nhà trồng
hoác chẳng che chắn nổi cơn gió kiêu ngạo ngoài kia, thương sao mỗi lúc nấu
xong bữa cơm thấy mạ chui ra khỏi gian bếp với đôi mắt cay xè, mặt mũi lấm lem….
Mùa gió lào quê tôi
nóng nực, mấy đứa em cùng nhau gom ve chai trong nhà để chờ chú bán cà rem đi
qua là chạy theo đổi. Hồi ấy, dễ gì có hai đồng mà mua. Cái chai nhựa cũ được
chú chế thành chiếc còi, bóp nghe tiếng bíp bíp ngồ ngộ rồi rao “cà rem đây”,
chỉ thế thôi mà con nít cả xóm chạy ra nhìn. Đứa nào đứa ấy quen mặt đến thân.
Thi thoảng cầm que cà rem, ăn chưa kịp đã bị chảy nước ròng ròng bởi hơi gió
liếm mạnh hơn cả lưỡi mình.
Chỉ ai sinh ra ở đây,
sống qua vài mùa gió thổi mới hiểu sức nóng, độ rát, hanh khô của cơn gió này.
Gió khắc nghiệt với bà con mình quá đỗi. Trưa nắng, ra giữa đồng, lắm người mệt
đứt hơi, không chịu nổi mà ngất giữa chừng, gió đi kèm với nắng, cái nắng như
lửa thiêu chực đốt cháy những gì xung quanh nó. Da thịt con gái mới lớn đỏ lựng
mỗi khi ra khỏi nhà. Mồ hôi ba ướt nhẹp, mùa này lại tưởng như ba già thêm vài
tuổi. Tay chân mạ đen sạm hơn gấp nhiều thời thiếu nữ. Đường làng, các vệ cỏ
vàng hoe, cháy sém , có một mồi lữa thì ôi thôi rồi …..Các lũy tre cúi rạp mình
xuống, không che nỗi cho xóm làng, dòng sông khô cạn, đầy bụi và trôi nổi xác
lá …. Cái nóng hầm hầm dịu đi vào giữa đêm… giấc ngủ mỏi mệt, uể oải vì mất
nước trong người ….
Mùa gió, những cây
xanh hiếm hoi của các ngôi nhà hai bên đường thường cúi rạp xuống, trông như
cây mọc nghiêng tự bao giờ. Đống rơm chưa kịp chất lên đã bị gió thổi bay tứ
tung. Chú trâu nóng nảy cũng chẳng thể tìm ra vũng bùn để tắm bởi nước đã khô
hạn đến tận cùng. Cả cánh đồng làng một màu vàng cháy, gió thốc mạnh làm xiêu
vẹo những dáng hình trên ấy. Nơi mảnh đất này, không chỉ người mà cả cây cối,
sinh vật cần kiên cường mới có thể sống chung với nó.
Ai cũng bảo rằng, cái
khổ cực còn đeo bám Quảng Trị mình mãi thôi. Ví như, lời nội nói bâng quơ lúc
người còn: “Có chăng khi mô đổi đất đổi gió thì mới hết cực”.
Một mùa gió hanh hao
lại về với quê hương !
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét