28 tháng 3, 2014

ĐẦU THÁNG TƯ -NHỚ VỀ TRỊNH CÔNG SƠN


Có môt nỗi buồn ở nơi này thì sẽ có một niềm vui ở chốn khác.
Có một trái tim khổ nạn ở người này thì tất nhiên sẽ có một trái tim hân hoan ở kẻ khác.
Những ai đã đi đến với đời thì phải có lúc lìa xa nó.
Chết là sự tan biến của thể xác. Nhưng sống không chỉ là sự tồn tại của thân xác. Nhiều người còn sống mà tưởng chừng như đã chết. Nhiều người chết mà vẫn còn sống trong trí nhớ mọi người.
Trong câu chuyện đời chung, kẻ này quên thì người kia phải nhớ. Một ý tưởng chợt tắt để làm mầm chuyển hoá cho một ý tưởng khác nảy sinh.
Cái mất không bao giờ mất hẳn
Cái còn không hẳn mãi là còn...!



Nhớ về những điều trên của người ấy - nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, để tưởng nhớ ông và biết rằng ông đã ra đi vô cùng thanh thản. Sinh linh nào, ở nơi đâu sẽ được thay thế vào sự lìa xa "cõi đi về" của ông, không ai biết. Nhưng "Nhiều người chết mà vẫn sống trong tâm trí mọi người'' chắc chắn trong đó có ông, và những gì ông đã làm được trong âm nhạc của mình đã biến cái tên Trịnh Công Sơn và những bản nhạc không gì thay thế mà ông đã gọi là đời sống thứ hai sau cái thân thể mà cha mẹ đã sinh thành... chính là "cái mất không bao giờ mất hẳn''...! 

Hai năm kể từ ngày ông đi, những bài hát của ông vẫn và sẽ còn đi mãi cùng cuộc sống, tình yêu và tâm hồn hàng nghìn con người của nhiều thế hệ với sự rung động và đồng cảm từ sâu thẳm. Có nhiều danh hiệu người ta đã trao tặng cho ông, như: "Người Việt Nam viết tình ca hay nhất thế kỷ", "Phù thủy của ngôn ngữ", "Người tình lãng du của nhiều thế hệ" hoặc "Nhà thơ Trịnh Công Sơn", "Hoạ sĩ Trịnh Công Sơn"... Tất cả những điều ấy đều có phần để ca tụng tài năng văn học hay khả năng sử dụng ngôn ngữ của ông trong ca từ. Nhưng nói như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, cái quan trọng hơn cả để níu giữ một Trịnh Công Sơn vô cùng đẹp đẽ trong lòng những người yêu mến ông và âm nhạc của ông chính là tâm hồn. 


Tôi rất đâm đắc với một lời nhận xét: "Nhạc của Trịnh Công Sơn không tuyền là nhạc, bài hát không chỉ là bài hát. Mỗi bài là một truyện ngắn, mỗi ca khúc là một chương khúc của truyện dài không có kết thúc, vẫn mở ra như một vết thương, một vết thương người, một vết thương thời đại, vết thương thiết thân, phải cưu mang và lưu truyền... ''. 


Từ bài tình ca buồn đầu tiên ra mắt công chúng - "Ướt Mi" khi chàng nhạc sĩ mang tên Trịnh Công Sơn vừa mới 20 tuổi, những tình ca nối tiếp nhau ra đời và luôn mang theo chúng những nỗi niềm về thân phận, về cuộc đời, về tình yêu và về nỗi cô đơn dường như không bao giờ vơi cạn. Chúng được sống và được nâng niu, ai cũng có thể tìm thấy cái gì đó sâu kín của tâm hồn mình từ những nốt nhạc, lời ca trong những tình khúc của ông. Và phía sau mỗi ca khúc được bắt nguồn từ cảm hứng, nhiệt huyết và lòng nhân ái bao dung lại được bao bọc bởi triết học. Ông giải thích cho điều này: "Tôi vốn thích triết học và vì thế tôi muốn đưa triết học vào những ca khúc của mình. Một thứ triết học nhẹ nhàng mà ai ai cũng có thể hiểu được như ca dao hoặc những lời ru con của mẹ. Triết học Việt Nam có đó nhưng không được hệ thống hóa vì nó bàng bạc trong đời sống nhân gian...". 





Vì thế, khi viết: ''Đêm thấy ta là thác đổ": "Một hôm thấy ta là lá cỏ, ngồi hát ca rất tự do... " -nhạc sĩ thổ lộ: "Tôi còn nhớ ca khúc này và sự chiêm nghiệm của mình như là một tổng kết những gì mà tôi cảm nhận được từ cuộc đời tôi, của mọi người. Thực lòng mà nói, tôi chịu ảnh hưởng của Albert Camus trong bài hát này.Trong tác phẩm Ghi chép ở Angérie (Noté d'Algérie), ông ghi lại những tiếng chó sủa ban đêm, những bước chân đi mà ai cũng có thể một lần nghe thấy trong đời mình nhưng không mấy người nhìn ra được điều gì đó từ chúng. Ngẫm lại đời mình, tôi thấy nhiều muộn phiền. Không hiểu vì sao tôi đã day dứt về sự ra đi, ở lại của cuộc đời từ rất sớm.Tôi đã chọn hình tượng lá cỏ để ví với mình. Vì sao lại là lá cỏ? Có thể cuộc đời rộn ràng có quá nhiều điều phải lưu ý, nhưng trong đó không thể không có sự góp nhặt của những điều nhỏ nhoi. Ngọn cỏ, lá cây hay cây đa đều có bổn phận của nó với cuộc đời. Cỏ có bổn phận cỏ, lá có bổn phận lá. Tôi không mơ ưóc gì to lớn, mà nghĩ mình như một phận cỏ hèn. Vì hèn mọn nên nó không phải to lớn và bổn phận nặng nề như cây đa, vì vậy nó tự do lắm. Và vì sao lá cỏ lại hát? Bài hát là phương tiện để bày tỏ lòng mình với cuộc đời, có gì tuyệt vời hơn lá cỏ nhỏ nhoi nhưng tự hát ca với đời mình? Rũ bỏ những muộn phiền và thảnh thơi đời mình, điều này đã ám ảnh tôi từ lâu, lâu lắm rồi, nhưng chỉ đến khi viết được những câu hát như vậy tôi mới thấy nhẹ lòng. Ý tưởng này quanh quẩn trong tôi nhiều năm và chỉ được giải toả khi sáng tạo vụt đến và bật thành những giai điệu như vậy... ". 


Và cũng chẳng thể nào phủ nhận khi người ta cảm nhận được từ âm nhạc của ông những ảnh hưởng của nhà Phật. Trịnh Công Sơn - một Phật tử trong một gia đình theo Phật Giáo, đọc và thuộc kinh Phật từ những ngày thơ ấu, nghe những lời kinh cầu và vùi giấc ngủ sâu những đêm mẹ bệnh. Cơ duyên với Phật đã vô tình kéo vào nhạc của ông những ca từ mang tinh thần và những âm thanh của kinh kệ. Với Trịnh Công Sơn thì "Phật Giáo như một tôn giáo mang nhiều tính hiện sinh nhất. Bắt đầu bằng chữ sát-na, một đơn vị thời gian siêu nhỏ. Phải biết sống hết mình trong mỗi sát-na của thực tại. Từ mỗi cái ăn, cái uống, cái đi đứng, nằm ngồi. Không làm công việc này mà nghĩ đến công việc khác. Với tôi đó cũng là Thiền, là một cách sống đích thực...” . Qua ca khúc để đánh lên những tiếng chuông mai chuông chiều, mượn ánh nắng của trời đất để soi tỏ cái số phận đó cho mỗi người có thể nhìn mình và nhìn rõ hơn, chăm chú hơn cho đến một lúc nào đó thì mọi sự tốt lành, tình yêu sẽ khiến cho chúng ta thấy rằng con đường duy nhất đi đến với người khác trên mặt đất này không phải là sự độc ác mà chính là một lòng nhân ái vô biên. Hát lên lòng nhân ái đó mãi mãi, nỗ lực tìm những mạch nguồn sâu vào cội rễ của nó để có thể hoàn thiện một tiếng hát mới mẻ, đầy nhân hậu cho những ca khúc ngày mai của riêng mình, Trịnh Công Sơn có cách Thiền riêng như thế...! 


Sưu tầm

2 nhận xét :

LANHUE nói...

Tặng bạn Cát bụi của Trịnh Công Sơn nè(tôi thực hiện video):
http://youtu.be/MxnxdvUoDnI

Unknown nói...

Cam on bạn nhé ! Hay quá! Tôi cũng mê nhạc TCS lắm đó