MÓN DƯA MÔN QUÊ TÔI !
Ở Bích Giang quê tôi,môn thường dùng gọi là môn ngọt, vì nó không ngứa, thân mềm
như bạc hà thường được trồng dưới mương, bờ sông, bờ ao….. nơi có nước quanh
năm, dùng chế biến thức ăn khi còn tươi hoặc sau khi muối chua.
Hồi
trước, thời mẹ tôi còn sống, mẹ tôi thường hay muối dưa môn vào mùa mưa, mùa
rét ….Cũng như các loại dưa muối khác, dưa môn dễ muối thôi, nhưng không phải
ai cũng muối ngon. Dưa môn có màu vàng rộm, dai giòn, thanh chua, mùi thơm dễ
chịu. Ai đã từng ăn món dưa môn mói thấu hiểu hương vị của nó …… Người muối phải có một chút “mát tay”, nếu
không hũ dưa môn sẽ bị hư và có mùi
“hôi nước” rất khó chịu, không thể ăn được.
Cây
môn cắt về, dùng tay tước sạch lớp da bên ngoài, rửa sạch, cắt ngắn chừng 3
lóng tay, rồi dùng dao bén chẻ làm đôi, hoặc làm tư tùy độ lớn của ruột môn. Vắt
ráo nước, phơi nắng cho héo rồi cho vào hũ sành, sứ . Nấu nước muối pha loãng để
thật nguội sau đó đổ ngập mặt môn, lấy vỉ bằng tre ép chặt mặt trên để dưa luôn
được ngập nước.
Muốn
cho dưa thơm ngon và mau chua, mẹ tôi thường pha thêm chút đường cát, khoảng ba
bốn ngày sau, dưa môn ngả sang màu vàng, mở nắp hũ đã dậy mùi chua là ăn được.
Đơn
giản nhất là dưa môn vắt ráo chấm nước mắm thêm tiêu, ớt bột…. hoặc bắc chảo
cho ít mỡ xào qua, nêm thêm gia vị, tiêu, nước mắm. Mâm cơm nóng hổi chỉ độc
món dưa môn xào được bưng lên, vậy mà cả nhà ngon lành ăn, hít hà thơm tho hết
bữa.
Đặc
biệt, những ai đã từng ưa thích dưa môn, chắc sẽ không khỏi bất ngờ khi chạm
đũa vào đĩa dưa kho với cá lóc, cá rô. Khác với cá kho măng, cá kho dưa môn
không hề có vị gắt mà lại bùi, ngọt, vừa lạ miệng, vừa mềm mại.
Bà
con quê tôi, dùng dưa môn là một món ăn quen thuộc, là nguồn nguyên liệu để chế
biến những món ăn ngon như dưa môn xào, kho tấp với các loại cá đồng như cá giếc,
cá rô, cá lóc… hay nấu canh với cá biển, cá sông, cá đồng cũng rất “hợp” và ngon.
Dưa môn nghe có vẻ mộc mạc và là một món ăn ngon, bình dị, hiền hòa như tính
cách của người nông dân trong cảnh đồng quê thanh bình.
Mẹ
tôi thường nấu món canh chua dưa môn với cá trê, cá lóc … vào những bữa ăn
trưa, ba tôi đi làm đồng về vừa bước vào ngưỡng cửa đã biết ngay là mẹ nấu món
mà cả nhà “ưa thích” vì mùi thơm của nồi canh dưa môn khá đặc trưng, hấp dẫn vị
giác và độc đáo đến lạ, chứa đựng cả một nghệ thuật ẩm thực với chua, cay, mặn, ngọt…
Dưa
môn dù là nấu canh với cá biển hay cá nước ngọt, con cá phải thật tươi thì
hương vị của canh chua mới ngon, mới ngọt. Để giữ nguyên cái vị vừa chua chua vừa
ngọt ngọt, mẹ tôi không cho thêm bất cứ thứ gì ngoài dưa môn và cá tươi. Khi nhắc
nồi canh xuống chỉ sử dụng chút ít hành, ngổ, ớt trái xắt lát để rắc lên. Khi thưởng thức, ai cũng
cảm thấy ngon miệng và ăn được rất nhiều cơm, bởi không chỉ ăn bằng miệng mà
còn ngửi bằng mũi nhờ hương thơm sực nức của mùi dưa muối chua không lẫn với bất
kỳ một mùi hương nào khác tỏa ra đậm đà quyến rũ.
Vào
những hôm trời mưa, mẹ lại dùng mỡ heo phi hành tỏi cho thơm rồi xào dưa môn ăn
với cơm nóng cũng ngon không chê vào đâu được. Vào mùa tát cá, mẹ chọn một mớ
cá rô hay cá giếc “kho tấp” với dưa môn, bên ngoài trời mưa rả rích chỉ một
loáng nồi cơm đã sạch nhẵn, cái bụng cũng no lắm rồi nhưng sao cái miệng vẫn
còn “thòm thèm”…
Bích
Giang quê tôi, cuộc sống người nông dân vùng nông thôn luôn gắn liền với ruộng
lúa nương khoai, người đàn ông ra đồng đi kèm là “con trâu cái cày”, cánh phụ nữ
vào bếp là phải có “hũ dưa, hũ cà, hũ mắm”. Thế mới biết rằng, những món ăn này
chẳng phải giá trị hay cao sang gì !
Trong
sâu thẳm của tâm hồn , bây giờ tôi mới
thấm thía được tận cùng sâu xa của “nỗi nhớ” khi xa quê,khi mùa đông về, mới cảm nhận được thế nào là giá trị của cuộc
sống khi được ở bên người thân trong tình quê hương xứ sở, mong được
một lần thưởng thức những món ăn quê nhà.
Dù
đã bao nhiêu năm trôi qua rồi, nhưng mỗi lần nhìn những bà mẹ quê, đôi mắt tôi bỗng nhiên cay
cay. Tôi nhớ dáng của mẹ gánh môn đi chợ phiên vào sáng tinh mơ lúc tôi còn thơ
ấu; nhớ hương vị thắm thiết của nồi cá rô kho dưa quê nhà lan tỏa trong gian bếp …. Không bao giờ tôi
đánh mất đi hương vị của món dưa môn quê mềng!
Huế -mùa đông 2014- Quang Trung
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét