Ngày ấy, cái thời chăn trâu, cắt cỏ, vùng vẫy trên những cánh đồng xanh mướt đã trôi xa. Thế nhưng mùa gặt mãi là ký ức đẹp vẫn nguyên vẹn trong trái tim của những đứa trẻ thôn quê. Mùa gặt mang hương lúa thơm nồng, mang luôn cả niềm vui về với miền quê nghèo.
Còn nhớ, mùa gặt của những ngày bé thơ, mẹ thường bảo lúa mùa thu là hạt lúa vàng. Lúc đó, lũ trẻ chúng tôi hiểu rằng lúa vàng của mẹ chỉ đơn giản là hạt lúa mang màu nắng nhạt của mùa thu. Thế rồi, khi bắt đầu ý thức được, tôi mới hiểu rằng lúa vàng mùa thu qua lời mẹ nói chính là hóa thân của mồ hôi, công sức, lam lũ của những người nông dân bám mặt trên đồng ruộng trong cái nắng hạn gay gắt. Cũng bởi lúa mùa thu không mấy khi được mùa.
Mùa gặt, mọi người trong làng đổ hết ra đồng. Khi người lớn bận rộn với những cây liềm gặt nhanh lúa vàng nặng trĩu, lũ con nít chúng tôi lại nối gót bắt đầy rổ cua đồng trên ruộng cho bữa cơm trưa. Thi thoảng lại có đứa cười vang, la hét chạy vòng quanh ruộng sủng bùn để khoe với người lớn chú cá lóc to vùng vẫy trong tay vừa bắt được.
Chia nhau niềm vui của ngày mùa, trong khi người lớn vẫn miệt mài cắt lúa, mệt nhọc oằn lưng gánh lúa trên đường mòn, lũ trẻ chúng tôi xúm lại dưới bóng cây dim mát. Đứa chạy về sân nhà lấy rơm, đứa đi tìm lửa. Những con cá lóc to cuộn mình vì hơi nóng trong đống rơm cháy hòa chung với mùi thơm nồng từ cua đồng nướng, phảng phách đâu đó hương lúa đậm đà mùi nắng, mùi gió như khiến ngày mùa trở nên rộn ràng và vui hơn.
Nụ cười giòn tan của lũ trẻ, những món nướng dân dã nghi ngút khói bên bờ ruộng, đó là những hình ảnh luôn gắn chặt với ngày mùa quê tôi trong ký ức xa vời.
Ngày mùa, trong khoảng sân phủ đầy nắng và gió của buổi chiều thu, cha bưng thúng lúa đổ xuống thành dòng. Tay mẹ cầm quạt tạo gió để hạt lép bay đi, hạt chắc rơi xuống vun đầy thành đống. Ngoài vườn, bên đống rơm cao vút, lũ con nít trong xóm um xùm, xúm lại với nhau. Đứa lớn cõng đứa nhỏ leo lên đỉnh cây rơm trượt xuống với tiếng xình xịch chơi trò đoàn tàu bắc nam. Có đứa lại miệt mài rút rơm bó thành chổi. Chơi mệt lại lấy rơm làm giường rồi ngủ vùi trong đống rơm rạ vẫn còn đượm mùi lúa mới.
Bữa tối, thèm thuồng món "gà đồng” chính hiệu (ếch đồng), lũ trẻ chúng tôi ăn vội bữa cơm với cá lóc kho tộ, canh cua rau đay mẹ nấu, rồi nhanh chóng cầm đèn dầu chạy nhanh ra đồng ruộng. Trời bất chợt đổ mưa, trong bóng tối dày đặc, âm thanh dàn đồng ca của lũ ếch, nhái mỗi lúc một to hơn. Lần theo tiếng kêu của ếch tìm đến hang, dưới ánh sáng lờ mờ của ngọn đèn dầu, trong thoáng chốc những con ếch to, béo đã nằm gọn trong sọt tre đậy kín của lũ trẻ con. Có đứa không mang theo sọt lại lấy dây chuối cột chặt ếch thành một dây dài. Mò mẫn một hồi trong màn mưa, khi ếch bắt đầy sọt, chúng tôi lại kéo nhau ra về mặc kệ lũ ếch kêu to sau lưng.
Qua bàn tay khéo léo của mẹ, số ếch béo chọn riêng được lột da, bỏ ruột rửa sạch rồi ướp với lá chanh. Bên bếp than hồng, cả nhà chuyện trò rôm rả, vui vẻ thưởng thức vị ngọt, dai cùng với mùi thơm nồng của “gà đồng” chính hiệu hòa chung vị mặn muối ớt xanh. Số ếch còn lại, mẹ ướp sẵn gia vị. Đợi đến sáng, sau màn mưa tầm tã, khi lũ nấm tròn nhỏ thi nhau nhô lên bên cây rơm lớn, mẹ lại đãi cả nhà món cháo ếch nấm rơm ngọt thơm ngon lành trước khi ra đồng.
Mùa gặt kết thúc, lúa mới trở thành gạo trắng vun đầy trong lu, dân làng lại chuẩn bị làm lễ cúng cơm mới. Đấy là phong tục từ bao đời để lại. Dù được mùa hay mất mùa, sau khi lúa đã trở thành gạo, bữa cơm đầu tiên phải được dâng lên bàn thờ ông bà tổ tiên, trời và đất. Cơm mới chính là lễ vật cảm tạ đất, trời để người dân quê tôi cầu may, mưa thuận, gió hòa, lúa vàng trổ bông đầy đồng trong vụ mùa sau.
Lễ cơm mới ngày đó nhà nào khấm khá thì cúng kèm với gà luộc, gà kho. Với những gia đình nghèo mâm cơm mới bao giờ cũng có cá đồng kho tộ, bát canh riêu cua. Sau lễ cúng, người lớn trong làng ngồi lại với nhau vui cười, nhâm nhi chén rượu mừng cơm mới. Lũ trẻ chúng tôi chia nhau từng vắt cơm trắng dẽo thơm gói trong lá chuối, rồi tụ tập quanh cây rơm lớn ngoài vườn miệt mài với những trò chơi tưởng chừng không bao giờ chán.
Giờ đây, mùa gặt dân làng không còn bận rộn tay chân, vất vả như xưa. Trên những cánh đồng, thay cho tiếng cười, chuyện trò rôm rả là âm thanh ầm ầm của máy gặt. Mùa gặt ngày nay cũng không dài lê thê ngày này qua ngày khác như cái thời tôi còn bé. Chỉ vài giờ đồng hồ, sau những vòng quay của máy gặt, đồng ruộng đã trống hoắc, in vết bánh xe, trợ trọi những gốc lúa.
Và dĩ nhiên, trong khoảng vườn nhỏ của lũ trẻ ngày ấy, những cây rơm lớn nồng hương lúa mới cũng lụi tàn, biến mất theo thời gian. Rơm vàng ấm áp đượm mùi nắng, mùi gió đã hóa thân với khói, với lữa trên những cánh đồng phủ đầy nắng.
Tất cả những thứ mộc mạc, thân quen của mùa gặt ngày ấy giờ đã là ký ức gói gọn ở một gốc khuất trong trái tim của những đứa trẻ thôn quê. Ngẫm lại, lũ con nít bên cây rơm ngày ấy bây giờ mỗi đứa một nơi. Đứa theo đoàn tàu Bắc Nam với những chuyến đi ngược về xuôi, đặt chân trên mọi miền đất nước. Đứa lại yên bình gắn chặt cuộc đời bên đồng lúa bạt ngàn. Thế nhưng tất cả đều gắn chặt với ký ức bên cây rơm lớn, bên lúa vàng đượm mùi của những mùa gặt trôi xa.
( Lê Lan )
1 nhận xét :
Đồng quê vào mùa gặt ! Hay quá anh à !
Những kỹ niệm thời thơ ấu ùa về trong tôi khi đọc bài này
Đăng nhận xét