Trong cuộc đời mỗi người có nhiều nơi đến và đi, nhưng chỉ có một nơi chốn ta tìm về đó là quê hương Quê hương là nơi nuôi dưỡng tâm hồn ta từ tấm bé. Tuổi thơ của tôi không được sống no đủ, thỏa thích như các bạn cùng trang lứa. Bố tôi mất sớm, mẹ tôi phải tần tảo, mòn vai để lo bữa ăn, cái mặc cho năm anh em chúng tôi. Nhưng tôi cũng có những giây phút ngã mình trên vạt cỏ mềm mại chơi chọi cỏ gà cùng chúng bạn.
Khi trời đổ mưa, lấy bùn đất chọi nhau lấm be bét. Có đứa thua chạy tụt cả quần đùi. Cả bọn ôm nhau cười đến vỡ bụng. Có buổi chơi bắn bi, thấy có đứa chơi ăn gian, tôi la lên, cả bọn xúm lại xử tội nó bằng những cái búng tai nảy lửa. Hắn đau, cứ nhảy cẫng lên xuýt xoa. Có lần, quần áo lấm lem, người đầy bùn đất về nhà bị mẹ đánh cho lằn mông. Biết lỗi, nên tôi xin mẹ lần sau không nghịch bẩn nữa. Nhưng chỉ mấy hôm lại theo chúng bạn đùa nghịch bùn đất. Có điều, sợ mẹ nên tìm ao tắm rửa sạch sẽ mới mò về nhà. Quê hương, làng xóm như một gia đình lớn. Tình người như sợi dây kết nối mọi người gắn bó, đồng cảm, sẻ chia với nhau. Tôi còn nhớ, cái hôm mẹ tôi bị té ngã, cả xóm đến thăm hỏi. Tình cảm mọi người thật ấm áp. Ai cũng yêu quý và thương nhau như ruột thịt. Con đường tôi đến trường đi qua một cánh đồng lúa. Con đường mòn nhỏ lọt giữa hai vạt cỏ xanh mướt bên đồng lúa rì rào. Bước chân nhỏ của tôi thỉnh thoảng lại quấn quýt sợi rơm rạ như níu giữ dấu chân tuổi học trò. Cũng con đường làng quê in dấu chân tuổi thơ đã đưa tiễn tôi lên đường làm nhiệm vụ của lớp thanh niên đi chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước của mình. Khi đất nước đã thống nhất, tôi đã trở về quê hương trên con đường mòn năm xưa. Có lẽ con người có nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một nơi chốn ta tìm về đó chính là quê hương. Bước chân trên con đường năm xưa tôi như gặp lại chính mình. Nó rạo rực và thân quen. Bước đi trên con đường ấy tôi như gặp lại tuổi học trò xưa kia. Làn gió mát rượi ôm ấp màu áo xanh của người lính trở về. Càng gần đến nhà, tim tôi càng đập dồn dập. Bước chân vào sân nhà, mọi người reo lên mừng vui, vỡ òa trong niềm vui hạnh phúc sum họp. Cả nhà tôi đầy ắp tiếng nói cười. Tôi trở về trong vòng tay yêu thương của mọi người, trong hơi ấm của quê hương. Có một câu chuyện tôi còn nhớ mãi. Đó là chuyện hai cây cau trong sân vườn nhà tôi. Một hôm, tôi được tiếp tổ công tác đến nhà bàn về làm đường dây điện. Họ nhờ tôi vận động mẹ chặt hai cây cau để đường dây điện đi qua. Hai cây cau ấy đã gắn bó với gia đình tôi từ lâu. Nhưng nghĩ vì lợi ích chung của hàng xóm, tôi hứa sẽ bàn với mẹ, lúc đầu mẹ tôi không đồng ý. Sau tôi phải nói với mẹ: “Mẹ ạ, mẹ sẵn sàng cho con đi chiến đấu dù có phải hy sinh vì quê hương, đất nước, sao mẹ lại tiếc hai cây cau để hàng xóm có được ánh sáng”. Mẹ tôi mủi lòng và đồng ý. Nhưng hôm đội công tác đến đốn hạ cây cau, tôi thấy mẹ đã khóc. Giọt nước mắt của mẹ già không nhiều chỉ đọng lại trên nếp nhăn nơi khóe mắt. Sau này tôi mới hiểu. Hai cây cau ấy do chính ba tôi trồng. Buồng cau của gia đình ba sang hỏi cưới mẹ cùng hái từ đôi cau ấy. Nó như kỷ vật của ba mẹ tôi. Nó như có hồn người trong đó. Câu chuyện như một dấu nhớ khắc sâu trong tâm trí tôi. Tôi đã mang theo nó suốt cuộc đời. Cảnh vật nay đã đổi thay, cuộc sống đã cho ta nhiều tiện nghi vật chất đầy đủ, nhưng hồn quê vẫn mãi trong tâm hồn ta. Trong sâu thẳm lòng người, hình bóng quê hương là điểm tựa tinh thần của mỗi con người nơi ta quay về và tìm đến.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét